Mua bình rượu ngâm rắn hổ chúa về trưng bày có thể vướng vào vòng lao lý?

Luật sư Hoàng Anh Sơn – Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Anh Sơn, thuộc Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh đã phân tích dưới góc độ pháp lý về vấn đề này.

Ngày 24/4 vừa qua,  TAND huyện Ninh Giang (tỉnh Hải Dương) mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Trường (SN 1982, trú tại thôn Đồng Lạc, xã Hồng Đức, huyện Ninh Giang) 15 tháng tù, cho hưởng án treo về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm.

Mua bình rượu ngâm rắn hổ chúa về trưng bày có thể vướng vào vòng lao lý?- Ảnh 1.

Quang cảnh phiên tòa

Trước đó, tháng 6/2023, Trường về quê vợ ở huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) chơi và gặp một phụ nữ mặc trang phục dân tộc Mông bày bán 2 bình thủy tinh chứa 3 cá thể rắn hổ chúa ngâm rượu. Trường hỏi mua 2 bình trên với giá 1,9 triệu đồng. Sau khi mua, Trường mang về nhà hàng do mình làm chủ ở thôn Đồng Lạc, xã Hồng Đức (huyện Ninh Giang) để trưng bày và sử dụng.

Chiều 12/1/2024, đoàn kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Giáp Thìn và mùa Lễ hội xuân năm 2024 của UBND huyện Ninh Giang phối hợp Công an huyện Ninh Giang đi kiểm tra đã phát hiện.

Luật sư Hoàng Anh Sơn cho biết, thời gian qua, cơ quan chức năng thường xuyên đẩy mạnh công tác đấu tranh, xử lý nghiêm khắc các đối tượng vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm. Trong đó, nhiều trường hợp bị xử lý về việc mua bán, sử dụng động, thực vật nguy cấp, quý hiếm ngâm rượu.

Có lẽ ngâm rượu từ động vật quý hiếm không còn là cụm từ xa lạ, người ta thường truyền tai nhau ngâm rượu động vật, bộ phận cơ thể động vật hoặc các sản phẩm được chế biến từ động vật; nhất là động vật quý hiếm giúp bồi bổ sức khỏe, tăng cường sinh lực. Tác dụng thì chưa thấy đâu nhưng người mua bán, sử dụng động, thực vật nguy cấp, quý, hiếm ngâm rượu có thể đối mặt với hình phạt tù.

Theo quy định tất cả các loài động vật hoang dã đều được bảo vệ, khoản 3 Điều 9 Luật Lâm nghiệp 2017 nghiêm cấm: Săn, bắt, nuôi, nhốt, giết, tang trữ, vận chuyển, buôn bán động vật rừng, thu thập mẫu vật các loài thực vật, động vật rừng trái quy định.

Căn cứ khoản 1 Điều 4 Nghị định 06/2019/NĐ-CP quy định về danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm như sau:

Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm

Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được ban hành kèm theo Nghị định này, gồm:

Nhóm I: Các loài thực vật rừng, động vật rừng đang bị đe dọa tuyệt chủng nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại và các loài thuộc Phụ lục I CITES phân bố tự nhiên tại Việt Nam.

Nhóm IA: các loài thực vật rừng.

Nhóm IB: các loài động vật rừng.

Nhóm II: Các loài thực vật rừng, động vật rừng chưa bị đe dọa tuyệt chủng nhưng có nguy cơ bị đe dọa nếu không được quản lý chặt chẽ, hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại và các loài thuộc Phụ lục II CITES có phân bố tự nhiên tại Việt Nam.

Nhóm IIA: Các loài thực vật rừng.

Nhóm IIB: Các loài động vật rừng.

…..”

Các thực vật, động vật cụ thể thuộc danh mục thực vật, động vật nguy cấp, quý, hiếm được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 22 Điều 1 Nghị định 84/2021/NĐ-CP) về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Hành vi mua bán, sử dụng động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Mọi hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã cần phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5 triệu đến 360 triệu đồng (theo quy định tại Điều 21, 22, 23, Nghị định số 35/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp) .

Tùy từng trường hợp vi phạm, người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.

Hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm bị truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào?

Căn cứ Điều 244 BLHS 2015, được sửa đổi bởi điểm a, khoản 64 Điều 1 Luật sửa đổi BLHS 2017 về tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm như sau:

“Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm

Người nào vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;

Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật quy định tại điểm a khoản này;

….

Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp mà không thuộc loài quy định tại điểm a khoản này với số lượng từ 03 cá thể đến 07 cá thể lớp thú, từ 07 cá thể đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 10 cá thể đến 15 cá thể động vật lớp khác;

Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của từ 03 cá thể đến 07 cá thể lớp thú, từ 07 cá thể đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 10 cá thể đến 15 cá thể động vật lớp khác quy định tại điểm d khoản này;

Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật có số lượng dưới mức quy định tại các điểm c, d và đ khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

Số lượng động vật hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của từ 03 cá thể đến 07 cá thể lớp thú, từ 07 cá thể đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 10 cá thể đến 15 cá thể động vật lớp khác quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

Số lượng động vật hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của từ 08 cá thể đến 11 cá thể lớp thú, từ 11 cá thể đến 15 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 16 cá thể đến 20 cá thể động vật lớp khác quy định tại điểm d khoản 1 Điều này;

Từ 01 cá thể đến 02 cá thể voi, tê giác hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của từ 01 cá thể đến 02 cá thể voi, tê giác; từ 03 cá thể đến 05 cá thể gấu, hổ hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của từ 03 cá thể đến 05 cá thể gấu, hổ;

….

Có tổ chức;

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm;

Săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc vào thời gian bị cấm;

Buôn bán, vận chuyển qua biên giới;

Tái phạm nguy hiểm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

Số lượng động vật hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của 08 cá thể lớp thú trở lên, 11 cá thể lớp chim, bò sát trở lên hoặc 16 cá thể động vật lớp khác trở lên quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

Số lượng động vật hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của 12 cá thể lớp thú trở lên, 16 cá thể lớp chim, bò sát trở lên hoặc 21 cá thể động vật lớp khác trở lên quy định tại điểm d khoản 1 Điều này;

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng;

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, g, h, i và k khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng;

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 10.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm…..”

Như vậy, hành vi săn bắt động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt là phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 15 năm đối với cá nhân và có thể bị phạt tiền từ 1 tỷ đến 15 tỷ đồng đối với tổ chức.

Luật sư Hoàng Anh Sơn cũng cho biết, ngoài ra, còn có rất nhiều các hình phạt bổ sung như cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động của các pháp nhân, tổ chức vĩnh viễn hoặc là theo thời hạn.

Phạm tội thuộc những trường hợp khác theo quy định nêu trên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với khung hình phạt tương ứng.

Luật sư Hoàng Anh Sơn lưu ý, các động vật quý hiếm đều được bảo vệ nên có mua bình rượu ngâm các động vật này về trưng bày cũng có nguy cơ bị vướng vào vòng lao lý, người dân cần nâng cao nhận thức bảo vệ động vật các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm.

Nguồn: https://danviet.vn/mua-binh-ruou-ngam-ran-ho-chua-ve-trung-bay-co-the-vuong-vao-vong-lao-ly-20240429175821312.htm?gidzl=wXv-8YEwg6Ji0Nmc9w2lOUaDUIKzh_zbeGzvSMFuhsAX2NDqQ__mOwHVB78yy_XZz51_9MFwbULr8hgYOW

Leave Comments

0904.758.863
 0904.758.863