Luật sư Hoàng Anh Sơn – Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Anh Sơn, thuộc Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh đã phân tích vấn đề này dưới góc độ pháp lý.
Ngày 26/3, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam bị can Nguyễn Ngọc Thủy (tức Shark Thủy), Chủ tịch Tập đoàn EGroup và Đặng Văn Hiền, Trưởng ban Quan hệ cổ đông, Công ty EGame về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức chuyển nhượng cổ phần Công ty Cổ phần Tập đoàn giáo dục Egroup.
Để phục vụ công tác điều tra, xử lý đối với hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Ngọc Thủy cùng đồng phạm và đảm bảo quyền lợi của người bị hại theo quy định của pháp luật, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị những người mua cổ phần, cho vay tiền bằng hình thức thế chấp cổ phần Công ty CP tập đoàn giáo dục Egroup đang còn dư nợ chưa đến trình báo thì khẩn trương liên hệ để cung cấp hồ sơ, tài liệu cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.
Trao đổi với Dân Việt, LS. Hoàng Anh Sơn cho biết: Quyền lợi của khách hàng đã ký kết hợp đồng mua Cổ phần với Công ty Cổ phần Tập đoàn giáo dục Egroup phải căn cứ vào nội dung hợp đồng đã ký kết. Đồng thời, quyền lợi của người mua cũng phụ thuộc vào kết quả giải quyết vụ án của cơ quan chức năng.
Sau quá trình điều tra, nếu các cơ quan tố tụng có đủ căn cứ xác định có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì quyền lợi của người mua cổ phần sẽ được giải quyết trong vụ án hình sự với vai trò là bị hại, các cá nhân lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ có trách nhiệm trả lại, bồi thường cho họ.
Căn cứ theo quy định tại Điều 30 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định nội dung này như sau:
“Giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự
Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì vấn đề dân sự có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.”.
Đồng thời, Khoản 2, Điều 47, Khoản 1, Điều 48 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 và điểm b, Khoản 3, Điều 106 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 quy định: Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm
Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.
Ngoài ra, tại Điều 48, trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi: Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra.
Và Điều 106 về xử lý vật chứng: Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có quyền:Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án;
LS. Hoàng Anh Sơn cho biết, việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Nếu là bị hại trong vụ án thì khách hàng được quyền yêu cầu bị can, bị cáo có trách nhiệm hoàn trả tiền, bồi thường thiệt hại cho mình trong vụ án hình sự này và vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt thì sẽ được trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.
Ngoài ra cần lưu ý: đối với tội phạm “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thì người phạm tội đã có ý thức về việc lừa đảo nên thường tẩu tán tài sản trước khi bị khởi tố. Do vậy, việc lấy lại tài sản để hoàn trả cho người bị hại trên thực tế sẽ gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, theo quy định tại mục II, Chương VII biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan tiến hành tố tụng ngoài việc thu thập chứng cứ, củng cố tài liệu buộc tội đối với bị can, bị cáo thì cơ quan điều tra sẽ xác minh, phong tỏa tài khoản ngân hàng, kê biên đối với các bất động sản, ngăn chặn chuyển dịch tài sản đối với các tài sản hiện có của bị can Nguyễn Ngọc Thủy, các bị can khác liên quan để thu hồi tài sản, đảm bảo thi hành án, thực hiện công tác khắc phục sau này.
Ngoài ra, các bị can hoặc những người thân của bị can có thể sẽ tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, có thể là một phần hoặc toàn bộ hậu quả, tùy thuộc vào khả năng và thái độ nhận thức của bị can.
Do đó, để đảm bảo quyền lợi của mình cũng như phục vụ quá trình điều tra vụ án, ngay bây giờ những người bị hại liên quan đến vụ án trên cần nhanh chóng liên hệ với cơ quan công an để tố giác, cung cấp các thông tin tài liệu, chứng cứ như hợp đồng, chứng từ thanh toán, văn bản làm việc với công ty… Nếu xét thấy đầy đủ điều kiện, căn cứ cơ quan điều tra tập hợp danh sách đưa vào hồ sơ vụ án, xem xét giải quyết theo quy định.
Trong trường hợp này khách hàng cần phải chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền. Sau khi nhận được Bản án có hiệu lực pháp luật giải quyết vụ án nêu trên, những người bị hại sẽ phải liên hệ với Cục/chi cục thi hành án có thẩm quyền để làm thủ tục yêu cầu thi hành án, hoàn trả lại toàn bộ số tiền được bồi thường theo nội dung đã thể hiện trong Bản án hình sự có hiệu lực pháp luật.