Mạo danh công an để lừa đảo trên mạng xã hội sẽ bị xử lý như thế nào?

Hiện nay, phương thức lừa đảo nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác ngày càng nhiều và tinh vi, trong đó hình thức mạo danh Công an, lãnh đạo các sở, ban ngành để lừa đảo người khác là rất phổ biến.

Theo Bộ Công an, thủ đoạn lừa đảo mới gần đây là các đối tượng mạo danh lực lượng Công an đang điều tra các vụ án (tham nhũng, rửa tiền, ma túy,…) và chủ động liên hệ với một số cá nhân có liên quan đến các vụ án này để yêu cầu trình diện cơ quan Công an, đe dọa khởi tố vụ án hình sự hoặc tạm giam để điều tra; từ đó, các đối tượng đề nghị nạn nhân nếu không muốn bị khởi tố, tạm giam thì phải cung cấp các thông tin như: Chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng, số dư… để thanh tra tình hình tài chính.

Mạo danh công an để lừa đảo trên mạng xã hội sẽ bị xử lý như thế nào?- Ảnh 1.

Bộ Công an đã đưa ra cảnh báo bị giả mạo website năm 2022. Ảnh: BCA

Sau khi có được thông tin, đối tượng sẽ gửi 01 mã và đề nghị các nạn nhân đăng nhập vào trang website tên miền như trên (nếu không có mã này thì không thể đăng nhập để trang website mở giao diện giống trang web của Bộ Công an), khai báo các thông tin cá nhân và chọn mục hủy xác nhận OTP (phương thức bảo mật của ngân hàng khi thực hiện giao dịch). Sau khi có được thông tin cần thiết, các đối tượng sẽ chiếm quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng của bị hại và thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Luật sư Hoàng Anh Sơn, Trưởng Văn phòng luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh nhận định về thực trạng này như sau:

Hiện nay, phương thức lừa đảo nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác ngày càng nhiều và tinh vi, trong đó hình thức mạo danh Công an, lãnh đạo các Sở ban nghành để lừa đảo người khác là rất phổ biến.

Tùy theo tính chất, mức độ và mục đích của hành vi mà người giả danh lực lượng Công an có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với hành vi mạo danh lực lượng Công an nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản có thể bị xử phạt hành chính về việc vi phạm quy định về quản lý, sử dụng trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, Giấy chứng minh Công an nhân dân hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân quy định tại Khoản 1, Điều 20 Nghị định 144/2021/NĐ-CP: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân.

Đồng thời có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung như: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này; Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.

Ngoài ra, người mạo danh có thể bị xử lý hình sự về Tội danh giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác quy định tại Điều 339 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Điều 339. Tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác

Người nào giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Đối với trường hợp mạo danh nhằm chiếm đoạt tài sản thì tùy vào giá trị tài sản mà người thực hiện hành vi giả danh công an, lãnh đạo chiếm đoạt được để xem xét xử lý hành chính hoặc hình sự.

Về xử lý hành chính: người vi phạm có thể bị xử phạt theo quy định tại điểm c, Khoản 1, Điều 15 và điểm b, Khoản 2, Điều 15 của Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Theo Điều 15 Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả.

Về trách nhiệm hình sự: người mạo danh lừa đảo có thể bị xử lý về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Cụ thể, Điều 174  Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; Tái phạm nguy hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Luật sư Hoàng Anh Sơn cũng đưa ra khuyến cáo, để tránh bị lừa đảo các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cần lưu ý một số khuyến cáo sau đây:

Cơ quan Công an khi cần mời làm việc với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sẽ có cán bộ đến làm việc trực tiếp hoặc có giấy mời, giấy triệu tập gửi đến chính quyền địa phương và người mà cơ quan Công an muốn làm việc.

Tuyệt đối không làm việc thông qua điện thoại và mạng xã hội. Không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP… cho bất kỳ ai không quen biết hoặc chưa biết rõ nhân thân về lai lịch, đặc biệt khi người thân, bạn bè nhắn tin qua mạng xã hội nhờ chuyển tiền dùm, nạp tiền vào tài khoản thì cần liên lạc với người đó để xác minh trước khi thực hiện chuyển tiền, nạp tiền.

Thường xuyên đổi mật khẩu để nâng cao tính bảo mật các tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng… Trường hợp nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo phải ngay lập tức liên hệ Cơ quan Công an gần nhất để trình báo, xác minh.

Nguồn: https://danviet.vn/mao-danh-cong-an-de-lua-dao-tren-mang-xa-hoi-se-bi-xu-ly-nhu-the-nao-20240204174613342.htm?gidzl=5Nr8QcNhIoiJOafkOVL8B1HhJ6vvz4ml0s8VR2NpIYbIPquwSlCQUmKrI6eZz4jx1cD3QpH3fp1oPEj1BG

Leave Comments

0904.758.863
 0904.758.863