(PLO)- Tin vào lời của người tự xưng là nhân viên ngân hàng trên mạng xã hội để vay tiền với lãi suất thấp, có người đã bị lừa mất hàng trăm triệu đồng.
Phản ánh đến báo Pháp Luật TP.HCM, một số bạn đọc cho biết do có nhu cầu vay tiền nên đã tìm hiểu qua mạng hoặc qua lời giới thiệu của người quen để vay tiền. Sau đó có một số người liên hệ, tự xưng là nhân viên ngân hàng tư vấn cho vay và đã bị lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.
Đây không phải là chiêu thức lừa đảo mới, các cơ quan chức năng cũng như các báo, đài đã đưa nhiều thông tin cảnh báo nhưng một số người do cả tin đã dính bẫy lừa đảo.
Anh PTS mất số tiền khá lớn khi tin tưởng lời mời vay vốn trên mạng xã hội. Ảnh: NVCC
Mất tiền vì tin người giả nhân viên ngân hàng
Anh SAT (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết do có nhu cầu vay vốn, anh đã lên mạng tìm hiểu và tham gia một hội nhóm vay tiền. Anh T đã chủ động nhắn tin cho một tài khoản giới thiệu là nhân viên ngân hàng và chủ tài khoản này đã kết bạn Zalo, gọi tư vấn cho anh T.
Thấy giới thiệu vay lãi suất thấp, không cần thế chấp tài sản, thủ tục nhanh, thêm nữa lại giới thiệu là nhân viên ngân hàng nên anh T tin tưởng làm theo hướng dẫn.
Sau khi tư vấn, họ yêu cầu anh T đóng 3 triệu đồng để làm các thủ tục và 20 triệu đồng phí thẩm định hồ sơ, anh T đã chuyển vào tài khoản do họ chỉ định.
“Một lúc sau, họ lại thông báo hồ sơ của tôi gặp trục trặc, để vay nhanh chóng tôi phải chuyển thêm 50 triệu đồng. Do đang cần tiền gấp nên tôi cũng không nghĩ nhiều mà chuyển cho họ. Rồi họ lại tiếp tục tìm nhiều lý do khác để tôi chuyển thêm tiền…, đến khi tôi không còn khả năng thì họ lại chặn mọi liên lạc với tôi. Đến lúc này tôi mới biết đã bị lừa với số tiền gần 200 triệu đồng” – anh T kể.
Tương tự, anh PTS ở quận Bình Thạnh cũng có nhu cầu vay tiền và được một người quen giới thiệu một người tên Phúc, tự xưng là nhân viên ngân hàng. Người này hứa hẹn sẽ giúp đỡ anh S vay tiền với thủ tục nhanh lẹ. Ban đầu, người tên Phúc này yêu cầu anh S chuyển 50 triệu đồng để làm hồ sơ, sau đó lại yêu cầu chuyển thêm gần 200 triệu đồng để thẩm định hồ sơ, phí bảo hiểm… Anh S đã chuyển tiền theo yêu cầu nhưng sau đó không thấy kết quả gì.
“Thấy không ổn, tôi hỏi lại người quen và gọi điện thoại cho người tên Phúc để hỏi việc vay tiền thì không liên lạc được. Do quá tin tưởng người quen và không cẩn thận tìm hiểu, tôi đã bị lừa mất hơn 200 triệu đồng” – anh S chia sẻ.
“Không có chuyện ngân hàng xét duyệt hồ sơ vay mà chỉ cần trả lời vài câu qua điện thoại là được giải ngân.”
Nên đến trực tiếp ngân hàng để vay
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hoàng Minh, nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, Trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP.HCM, cho biết người dân cần cảnh giác trước các chiêu trò giả mạo, tự xưng là nhân viên ngân hàng, chào mời các gói cho vay với lãi suất thấp, không cần chứng minh thu nhập, không cần tài sản thế chấp…
Theo ông Minh, những lời mời chào vay tiền với thủ tục nhanh gọn, giải ngân trong ngày, chỉ cần đóng phí bảo lãnh để giải ngân chính là những chiêu trò “gài bẫy” của các đối tượng lừa đảo.
Không có chuyện ngân hàng xét duyệt hồ sơ vay mà chỉ cần trả lời vài câu qua điện thoại là được giải ngân. Quy trình vay vốn của các ngân hàng luôn được nhân viên tín dụng thực hiện minh bạch. Khi làm thủ tục, khách hàng cần đến trực tiếp các chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng để ký nộp hồ sơ vay vốn, trực tiếp ký hợp đồng vay vốn và phải chứng minh được khả năng trả nợ. Sau đó khách hàng mới được giải ngân theo quy định.
“Khi có nhu cầu vay vốn, người dân cần tìm hiểu kỹ các thủ tục vay vốn, phải trực tiếp đến trụ sở, chi nhánh các ngân hàng để được tư vấn và hướng dẫn thủ tục cần thiết. Người dân phải hết sức cảnh giác với những cuộc gọi tự xưng, giả mạo là nhân viên ngân hàng mời chào gói vay lãi suất thấp” – ông Minh nói.•
Mức phạt đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Căn cứ Điều 15 Nghị định 144/202, phạt tiền 2-3 triệu đồng đối với hành vi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả.
Phạt tiền 3-5 triệu đồng đối với hành vi dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản.
Ngoài ra, người vi phạm có thể bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Đối với tổ chức, mức phạt tiền gấp hai lần.
Nếu sau quá trình điều tra, xác minh, cơ quan công an xác định có dấu hiệu hình sự, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 174 BLHS năm 2015 (sửa đổi năm 2017). Với số tiền chiếm đoạt từ 200 triệu đến dưới 500 triệu đồng thì người phạm tội có thể bị phạt tù 7-15 năm, trên 500 triệu đồng thì hình phạt 12-20 năm tù hoặc tù chung thân.
Hoặc bị truy cứu về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản theo Điều 290 BLHS năm 2015, số tiền chiếm đoạt 200-500 triệu đồng, người phạm tội có thể bị phạt tù 7-15 năm, trên 500 triệu đồng thì bị phạt tù 12-20 năm…
Luật sư HOÀNG ANH SƠN, Đoàn Luật sư TP.HCM
HUỲNH THƠ – THÙY LINH
Nguồn: https://plo.vn/di-vay-tien-nhung-bi-lua-mat-tien-post739571.html