Khi giải quyết các vụ án tranh chấp đất đai, án phí giải quyết là vấn đề được các bên tranh chấp đặc biệt quan tâm. Vậy pháp luật quy định án phí trong vụ án tranh chấp đất đai được xác định như thế nào. Dưới đây, Văn phòng Luật sư Hoàng Anh Sơn sẽ trình bày về vấn đề này.
Cơ sở pháp lý
– Luật đất đai 2013
– Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 05 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai.
– Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án.
Án phí giải quyết tranh chấp đất đai là gì?
Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.
Án phí là khoản chi phí về xét xử một vụ án mà đương sự phải nộp trong mỗi vụ án do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Án phí có nhiều loại như án phí hình sự, án phí dân sự, án phí kinh tế, án phí lao động, án phí hành chính…Đây là số tiền thu theo quy định của pháp luật trong mỗi vụ án mà tòa án giải quyết để nộp vào ngân sách nhà nước nhằm bù đắp lại chi phí của nhà nước.
Có thể hiểu, án phí giải quyết tranh chấp đất đai là khoản chi phí đương sự phải nộp trong mỗi vụ án giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật.
Ai là người chịu án phí tranh chấp đất đai?
Căn cứ quy định tại Điều 147, 148 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 và khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 thì chủ thể chịu án phí tranh chấp đất đai là:
- Đương sự phải chịu án phí sơ thẩm vụ án tranh chấp đất đai nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí sơ thẩm.
- Trước khi mở phiên tòa, Tòa án tiến hành hòa giải; nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì họ chỉ phải chịu 50% mức án phí sơ thẩm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 147 của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
- Trong vụ án có đương sự được miễn án phí sơ thẩm thì đương sự khác vẫn phải nộp án phí sơ thẩm mà mình phải chịu theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 147 của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
- Trường hợp vụ án bị tạm đình chỉ giải quyết thì nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm được quyết định khi vụ án được tiếp tục giải quyết.
- Đương sự kháng cáo phải chịu án phí phúc thẩm, nếu Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí phúc thẩm.
- Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo thì đương sự kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm; Tòa án cấp phúc thẩm phải xác định lại nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm theo quy định tại Điều 147 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
- Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm thì đương sự kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm; nghĩa vụ chịu án phí được xác định lại khi giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.
Các trường hợp được miễn án phí giải quyết tranh chấp đất đai
Trường hợp miễn án phí tranh chấp đất đai
Theo quy định tại (điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14) quy định miễn tiền tạm ứng án phí, án phí đối với một số đối tượng, cụ thể như sau:
– Người lao động khởi kiện đòi tiền lương, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, tiền bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; giải quyết những vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật;
– Người yêu cầu cấp dưỡng, xin xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự;
– Người khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc áp dụng hoặc thi hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn;
– Người yêu cầu bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín;
– Trẻ em; cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo; người cao tuổi; người khuyết tật; người có công với cách mạng; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; thân nhân liệt sĩ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ.
Mức án phí trong vụ án tranh chấp đất đai
Căn cứ theo quy định tại Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 thì đối với trường hợp tranh chấp về quyền sử dụng đất thì mức án phí phải nộp cho Tòa sẽ xác định như sau:
1. Trường hợp không yêu cầu xác định giá trị tài sản mà chỉ yêu cầu xem xét quyền sở hữu mảnh đất thì mức án phí đối với trường hợp vụ án không có giá ngạch là 300.000 đồng.
2. Trong trường hợp có yêu cầu Tòa án xác định giá trị tài sản thì mức án phí được xác định như sau:
– Từ 6.000.000 đồng trở xuống thì mức án phí phải nộp cho Tòa là 300.000 đồng
– Từ trên 6.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng thì mức án phí là 5% giá trị tài sản có tranh chấp
– Từ trên 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng mức án phí là 20.000.000 đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng
– Từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng thì mức án phí là 36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 800.000.000 đồng
– Tài sản có giá trị từ 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng thì mức án phí là 72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 2.000.000.000 đồng.
– Tài sản có giá trị trên 4.000.000.000 đồng thì mức án phí là 112.000.000 đồng + 0.1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4.000.000.000 đồng.
Nộp án phí tranh chấp đất đai ở đâu
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 10 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 thì cơ quan thi hành án dân sự có nghĩa vụ thu án phí dân sự, trong đó có án phí giải quyết tranh chấp đất đai.
Cụ thể, chủ thể có nghĩa vụ nộp án phí sẽ nộp án phí ở Chi cục thi hành án dân sự cấp huyện (nếu vụ án tranh chấp đất đai không có yếu tố nước ngoài và thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện) hoặc Chi cục thi hành án dân sự cấp tỉnh (nếu vụ án tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh).