(PLO)- Hành vi cầm cố thẻ căn cước, sử dụng song song CCCD và thẻ căn cước sẽ bị xử phạt theo quy định.
Bộ Công an đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 144/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; PCCC, cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
Trong đó, đáng chú ý những quy định bổ sung xử phạt đối với các hành vi về cấp, quản lý, sử dụng thẻ căn cước cho phù hợp với quy định mới tại Luật Căn cước năm 2023.
Xử phạt hành vi cầm cố thẻ căn cước
Trao đổi với PV, Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải, Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TP.HCM, cho biết theo quy định của pháp luật hiện nay, việc cầm cố CMND, CCCD là hành vi bị nghiêm cấm và bị xử phạt theo quy định. Tùy vào tính chất và hành vi mà người cầm cố CCCD, người nhận cầm cố CCCD sẽ có mức phạt tương ứng.
Từ ngày 1-7, thẻ căn cước được ban hành, về bản chất nó chỉ là sự thay đổi tên gọi của CCCD, do đó việc cầm cố thẻ căn cước cũng là hành vi bị nghiêm cấm giống như CMND hay CCCD. Hiện nay Bộ Công an cũng đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 144, trong đó nêu rõ mức xử phạt đối với hành vi cầm cố thẻ căn cước.
Theo đó, tại khoản 4 Điều 10, Bộ Công an đã bổ sung quy định về xử phạt đối với hành vi thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố thẻ căn cước, mức phạt 4-6 triệu đồng.
Luật sư Đỗ Trúc Lâm, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết ngay tại khoản 7 Điều 7 Luật Căn cước năm 2023 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2024) cũng đã quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó bao gồm thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước, sử dụng thẻ căn cước giả, căn cước điện tử giả, giấy chứng nhận căn cước giả.
Trước đây, đối với CMND và CCCD cũng áp dụng quy định về các hành vi bị nghiêm cấm tương tự trường hợp thẻ căn cước nêu trên.
Đồng thời, tại khoản 3 Điều 5 Luật Căn cước năm 2023 quy định công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch có nghĩa vụ: Xuất trình thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước hoặc cung cấp số định danh cá nhân khi người có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật.
Như vậy, với những quy định trên, việc cầm cố CMND, CCCD, thẻ căn cước hiện nay là hành vi vi phạm pháp luật, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 10 Nghị định 144/2021 với mức phạt tiền 4-6 triệu đồng đối với cá nhân.
Đồng thời, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính.
Theo quy định trên, cả bên cầm cố và bên nhận cầm cố đều bị xử phạt vi phạm hành chính. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Thu lại CCCD khi làm thẻ căn cước
Trước đây, theo quy định, khi người dân đi làm thủ tục cấp CCCD sẽ phải thu lại CMND. Vậy khi làm thẻ căn cước, có thu lại CCCD hay không?
Trao đổi với PV về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải cho biết theo khoản 3 Điều 21 Nghị định 70/2024, trường hợp cấp đổi CCCD sang thẻ căn cước hoặc cấp đổi thẻ căn cước thì người tiếp nhận có trách nhiệm thu lại CMND, CCCD, thẻ căn cước đang sử dụng. Như vậy, với quy định này, công dân sẽ phải nộp lại CCCD khi đổi sang thẻ căn cước.
Luật sư Hoàng Anh Sơn, Trưởng Văn phòng luật sư Hoàng Anh Sơn, thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết trước đây theo quy định của pháp luật, công dân làm thủ tục đổi từ CMND sang CCCD, đổi CCCD sẽ phải thu hồi CMND. Khi đó, CMND sẽ không còn giá trị sử dụng dù còn nguyên vẹn và còn hạn sử dụng.
Việc thu lại CMND cũ khi làm CCCD mới là quy định bắt buộc. Nếu không thực hiện thu lại mà vẫn tiếp tục sử dụng CMND và CCCD cùng lúc sẽ bị xử phạt.
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định 144/2021, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 300.000-500.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại CCCD. Cụ thể là hành vi sử dụng CMND cũ song song với CCCD được cấp mới.
Tương tự, đối với trường hợp làm thủ tục cấp thẻ căn cước, CCCD sẽ được thu lại theo quy định.
Dù hiện nay chưa có quy định cụ thể về việc xử phạt đối với trường hợp không nộp lại CCCD, tuy nhiên, sắp tới nếu sử dụng song song cả hai thẻ này cũng có thể bị xử phạt.
Theo đó, trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 144/2021, tại Điều 10, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 300.000-500.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước; cấp căn cước điện tử.
Nên sử dụng một loại thẻ
Luật sư Hoàng Anh Sơn cho biết thêm: Trường hợp sử dụng CCCD cũ hơn tham gia các hợp đồng, giao dịch hoặc thực hiện thủ tục hành chính, người dùng có thể sẽ gặp phải rủi ro pháp lý về sau. Bởi lẽ khi đã có CCCD mới hơn (đối với trường hợp chưa được cấp thẻ căn cước) hoặc thẻ căn cước thì lúc này CCCD được cấp cũ hơn đã không còn giá trị sử dụng.
Khi ký kết các loại hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, giao dịch mua bán…, người dân sử dụng CCCD cũ (không còn giá trị sử dụng, thay vì dùng CCCD hoặc thẻ căn cước đã được cấp mới nhất), sau này nếu xảy ra tranh chấp, bên tranh chấp có thể sẽ lấy lý do “CCCD hết hạn, không có giá trị chứng minh nhân thân trong giao dịch” để đề nghị cơ quan có thẩm quyền tuyên giao dịch vô hiệu, thậm chí còn yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Một trường hợp khác là khi giấy tờ này rơi vào tay người ngoài hoặc chỉ cần họ có được thông tin CCCD cũ của bạn thì có thể dễ dàng làm giả để sử dụng vào mục đích lừa đảo, vay tiền…
Việc sử dụng CCCD cũ hơn để khai báo, đăng ký làm các thủ tục hành chính công có thể gây khó khăn cho người dân trong việc cập nhật thông tin về sau.
Vì vậy, người dân chỉ nên dùng CCCD (đối với trường hợp chưa cấp thẻ căn cước) hoặc thẻ căn cước được cấp mới nhất trong tất cả giao dịch, thủ tục để đảm bảo thống nhất thông tin và tránh rủi ro, tranh chấp sau này.
HUỲNH THƠ
Nguồn: https://plo.vn/mot-so-quy-dinh-moi-sap-duoc-ban-hanh-lien-quan-can-cuoc-post800440.html