Cha mẹ nuôi phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi thì có thể bị chấm dứt việc nuôi con nuôi.
Trước đây, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tôi đã làm thủ tục cho con đứa con gái mới sinh cho một gia đình quen biết.
Xin con nuôi được vài năm thì hai vợ chồng này sinh được đứa con trai. Từ khi sinh được con, cha mẹ nuôi của con tôi lúc nào cũng phân biệt đối xử giữa con ruột với con nuôi. Ngoài ra, nhiều lần hàng xóm chứng kiến cha mẹ nuôi còn đánh đập con tôi.
Hiện nay, kinh tế gia đình tôi đã ổn định và muốn xin lại đứa con về nuôi thì có được không? Cha mẹ nuôi bị chấm dứt việc nuôi con nuôi trong trường hợp nào?
Bạn đọc Ngọc Mai, tỉnh Long An
Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Điều 25, Luật Nuôi con nuôi có quy định về những căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi. Cụ thể, việc nuôi con nuôi có thể bị chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
Con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi;
Con nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc con nuôi có hành vi phát tán tài sản của cha mẹ nuôi;
Cha mẹ nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con nuôi; ngược đãi, hành hạ con nuôi;
Cha mẹ nuôi lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em.
Giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi.
Cha mẹ nuôi phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi….
Theo Điều 10 Luật Nuôi con nuôi và khoản 5 Điều 29; khoản 3 Điều 35, điểm l khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự thì thẩm quyền giải quyết là TAND cấp huyện nơi cư trú của cha mẹ nuôi.
Như vậy, nếu con của bạn trong quá trình ở với cha mẹ nuôi mà bị phân biệt đối xử thì có thể bị chấm dứt việc nuôi con nuôi. Do đó, nếu bạn muốn đòi lại con thì có thể yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi của cha mẹ nuôi bằng cách gửi đơn chấm dứt nuôi con nuôi đến tòa án tại nơi cư trú của cha mẹ nuôi để được tòa xem xét giải quyết.