Hành vi vẽ bậy trên tàu metro là hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào mức độ mà người vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
Những ngày qua, Pháp Luật TP.HCM có phản ánh về tình trạng tuyến tàu metro số 1 bị vẽ bậy ở khu vực depot Long Bình – nơi đoàn tàu metro số 1 đang chạy thử nghiệm. Tàu bị vẽ bậy theo dạng graffiti (tranh nghệ thuật đường phố) ở phần thân tàu.
Những năm gần đây, tình trạng vẽ bậy trên những bức tường trống, cửa cuốn nhà dân, công trình xây dựng, đến các trạm biến điện, tủ điện, trạm chờ xe buýt… trên địa bàn TP.HCM đã khiến nhiều người dân bức xúc.
Từ đó, một số bạn đọc cũng có thắc mắc pháp luật quy định như thế nào đối với hành vi vẽ bậy nơi công cộng, trên tường nhà người khác?
Cần xử nghiêm để răn đe
Bạn đọc Trần Văn bình luận: “Từ nhiều năm nay trên các phương tiện truyền thông, báo chí đã phản ánh rất nhiều về tình trạng vẽ bậy. Vì thế có thể thấy rằng những người vẽ bậy biết rõ hành động của mình là sai trái, là vi phạm pháp luật. Đến thời điểm này thì xin khẳng định những người vẽ bậy đã cố tình phạm tội và họ cần phải bị xử lý nghiêm”.
“Để truy tìm và bắt được người vẽ bậy thì ở những khu vực tàu metro cần phải lắp camera để theo dõi trực tiếp và truy xuất sau này. Hơn nữa cần xem lại an ninh bảo vệ ở depot Long Bình, sao để người lạ vào vẽ dễ dàng như vậy. Vì theo quan sát, khu vực này không phải ai muốn vào thì vào được” – bạn đọc Hạnh Nguyễn ý kiến.
Các toa tàu bị vẽ bậy đang được làm sạch sẽ, trở lại nguyên trạng ban đầu. Ảnh: MAUR
Bạn đọc Khải Hoàng nêu: “Đây không phải là lần đầu tàu metro bị vẽ bậy, mà cách đây một năm đã bị một lần rồi. Và qua hai lần tàu metro số 1 bị vẽ bậy, các cơ quan liên quan lại phải tốn một khoản chi phí để sơn lại tàu rất tốn kém. Đây là công trình trọng điểm, là bộ mặt của TP nên cần phải bảo vệ nghiêm ngặt. Vì thế, cơ quan chức năng cần phải xử lý đến nơi đến chốn vụ việc này, khi tìm được người vi phạm phải xử thật nghiêm để răn đe. Đồng thời phải xem xét xử lý người có trách nhiệm quản lý để xảy ra tình trạng trên”.
Vẽ bậy có thể bị phạt tù
Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết việc tự ý viết vẽ hình lên tường nhà người khác, trên tàu xe, những công trình công cộng mà chưa được sự đồng ý, cho phép là vi phạm pháp luật.
Tùy vào tính chất, mức độ thiệt hại mà cơ quan chức năng có thể xem xét xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Sơn phân tích: Tại điểm l khoản 2 Điều 7 Nghị định 144/2021 quy định phạt tiền 1-2 triệu đồng đối với người nào phun sơn, viết, vẽ, dán, gắn hình ảnh, nội dung lên tường, cột điện hoặc các vị trí khác tại khu vực dân cư, nơi công cộng, khu chung cư, nơi ở của công dân hoặc các công trình khác mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền.
Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm (điểm a khoản 14 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
Theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 144, nếu hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức có thể bị phạt tiền 3-5 triệu đồng.
Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 21 Nghị định 144 quy định nếu hành vi vẽ bậy làm hư hỏng, gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ thì sẽ bị phạt tiền 6-8 triệu đồng.
Đối với hành vi viết, vẽ bậy lên tường, cửa nhà hoặc tường công cộng có thể cấu thành tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản được quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi năm 2017).
“Theo quy định trên, mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm” – luật sư Sơn nói.
Công an TP.HCM sẽ điều tra, xử lý nghiêm hành vi vẽ bậy lên tàu metro số 1
Chiều 4-5, TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế – xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Tại buổi họp báo, các cơ quan chức năng đã thông tin với báo chí về sự việc vẽ bậy lên tàu metro số 1 được phản ánh trong thời gian qua.
Ông Hoàng Mai Tùng, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án 1, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, cho biết đến sáng 2-5 đã tiến hành xong việc tẩy rửa. Hiện tất cả đoàn tàu đã được khôi phục lại nguyên trạng.
Hiện giải pháp được đưa ra là phía nhà thầu, công ty bảo vệ và Công an TP Thủ Đức đã tăng cường thêm nhân sự bảo vệ, bố trí số lượng ca trực dày đặc hơn, tăng cường hệ thống camera quan sát phủ khắp khu vực depot.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho biết Ban giám đốc Công an TP đã có chỉ đạo phối hợp với Công an TP Thủ Đức để điều tra, xử lý, nếu thiệt hại gây ra có yếu tố hình sự thì sẽ có hình thức răn đe, xử lý nghiêm.
Thượng tá Lê Mạnh Hà nhận định các đối tượng thực hiện trong thời gian khá ngắn và chọn thời điểm mà các lực lượng tuần tra ít xuất hiện để vẽ vậy… Vì vậy, việc phát hiện được đối tượng, củng cố chứng cứ để xử lý có những khó khăn nhất định.
THANH TUYỀN